Việc kiểm soát quá trình sấy gỗ cứng trong lò sấy gỗ thường được thực hiện tự động theo các các chế độ (còn gọi là chương trình, lịch trình) sấy. Nhiệt độ bầu khô và bầu ướt của lò sấy sẽ được kiểm soát và hiệu chỉnh dựa trên độ ẩm của các thanh mẫu đã chọn.
Tuy nhiên, nhiều người vận hành hệ thống sấy hiện nay chỉ đang sử dụng các chế độ sấy truyền thống có sẵn mà không tiến hành bất kỳ sửa đổi, hiệu chỉnh nào với các chế độ sấy này. Số khác thì dựa vào kỹ năng và kiến thức của họ để hiệu chỉnh các chế độ sấy này để phù hợp với các yêu cầu đặc thù về thời gian và năng suất sấy của lãnh đạo.
Tuy nhiên, mặc dù việc xem xét, hiệu chỉnh chế độ sấy là đáng hoan nghênh, trên thực tế nhiều công ty gỗ đang thực hiện công tác sấy gỗ hết sức chủ quan và cảm tính, thiếu sự chuyên sâu. Điều này xảy ra do thiếu các yếu tố sau:
• Thiếu tầm nhìn rõ ràng của công ty về những gì công ty mong đợi đối với hoạt động sấy gỗ của mình (ví dụ chất lượng, thời gian, sự đồng nhất, sự chuyên nghiệp v.v…), từ đó xem nhẹ tầm quan trọng của hoạt động sấy gỗ trong toàn bộ chuỗi sản xuất
• Không ban hành các hướng dẫn chi tiết đối với hoạt động sấy gỗ của công ty về các mức chất lượng sấy khô cần thiết và thời gian sấy khô dự kiến, thời gian sấy khô chậm dưới mức cho phép, thời gian sấy quá nhanh trên mức cho phép v.v...
• Không có định nghĩa rõ ràng về chất lượng sấy khô và chương trình kiểm soát chất lượng nhất quán, hiệu quả để đảm bảo đáp ứng chất lượng yêu cầu, tính đồng nhất cho từng mẻ sấy
• Chưa có các tiêu chuẩn về các thiết bị phụ trợ thích hợp (lò sấy, cân, đồng hồ đo, v.v.) cần thiết để vận hành quá trình sấy khô tối ưu, chuyên nghiệp
· Không có tiêu chuẩn và phương pháp rõ ràng để quy định việc đo kiểm độ ẩm gỗ trước và sau khi ra lò theo phương pháp thống kê (ví dụ số lượng mẫu, cách chọn mẫu, tính toán về độ lệch chuẩn của mẫu đo v.v…)
• Thiếu quy trình bảo dưỡng và vận hành các thiết bị sấy
• Thiếu hồ sơ các lô gỗ sấy và quy trình lưu giữ hồ sơ.
Cần biết rằng, các chế độ sấy gỗ truyền thống sẵn có chỉ là hướng dẫn chung. Chúng nhằm mục đích cung cấp cho người vận hành một chế độ sấy ít nhất sẽ chạy được chứ không nhất thiết là tốt nhất hoặc tối ưu. Nhiệm vụ thực sự của một người vận hành lò sấy giỏi là lấy các chế độ sấy truyền thống và sửa đổi, hiệu chỉnh chúng để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu chất lượng trong quá trình sản xuất của họ.
Một cách để “điều chỉnh” chế độ sấy một cách hiệu quả hay nói đúng hơn là “tối ưu hóa” quá trình sấy là sử dụng tốc độ sấy để theo dõi và kiểm soát quá trình sấy.
Khái niệm về tốc độ làm khô dựa trên tiền đề rằng đối với mọi loài và độ dày, có một tốc độ an toàn mà tại đó độ ẩm có thể được loại bỏ ra khỏi gỗ. Nói cách khác, đây là tốc độ mà gỗ sấy có thể được sấy khô mà ít hoặc không bị xuống cấp hoặc hư hại đáng kể. Tốc độ sấy này này thường được thể hiện dưới dạng phần trăm độ ẩm giảm đi mỗi ngày. Vượt quá tỷ lệ an toàn tối đa hằng ngày sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các hư hỏng do sấy. Cần lưu ý rằng cái hư hỏng này không nhất thiết là các trường hợp cong, vênh, nứt v.v… ngay khi gỗ ra lò mà có thể xảy ra khi gỗ đã trở thành thành phẩm đưa vào sử dụng, hoặc xảy ra trong hoặc sau quá trình gia công thành phẩm.
Về tốc độ sấy gỗ và các khuyết tật, nhìn chung mọi người đều hiểu rằng sấy quá nhanh (nghĩa là vượt quá tốc độ sấy an toàn) làm tăng nguy cơ xuất hiện nhiều khuyết tật sấy hơn, đặc biệt là nứt tấm, nứt đầu, cong, và vênh. Tuy nhiên, sấy quá chậm (sấy ở tốc độ thấp hơn nhiều so với tốc độ an toàn) cũng gây ra nguy cơ lỗi sấy. Trong trường hợp này, rủi ro là tăng độ cong vênh, và khô không đều, gỗ ngậm ứng suất.
Do đó, tốc độ sấy an toàn là một thước đo mà người vận hành có thể đo hiệu suất của hoạt động sấy. Tốc độ sấy khô an toàn cũng sẽ cung cấp một phương pháp ước tính thời gian sấy khô. Ví dụ: nếu đang sấy gỗ sồi đỏ 25mm với tốc độ giảm ẩm 3% một ngày và chúng ta đang sấy một mẻ sấy từ 30% MC xuống còn 7%, thì sẽ mất gần 8 ngày cộng với quá trình cân bằng ẩm và dưỡng ẩm bắt buộc. Ngược lại, nếu phải mất 23 ngày để làm khô lô gỗ đó (tức là, độ ẩm mất đi 1% mỗi ngày), thông thường có thể cần phải đánh giá lại chế độ sấy. Chế độ sấy này có vẻ là quá chậm. Tuy nhiên, nếu gỗ đang sấy không phải là gỗ sồi đỏ vùng cao mà lại là gỗ sồi đỏ vùng thấp, thì tốc độ sấy đó mới chính là tốc độ sấy tốt nhất cho loài gỗ này.
Điều này dẫn đến câu hỏi làm thế nào để xác định tốc độ sấy. Nói chung, sấy khô ở tốc độ lớn hơn tốc độ an toàn tối đa hàng ngày làm tăng nguy cơ “sấy quá nhanh” và các lỗi liên quan. Ngược lại, sấy khô quá chậm so với tốc độ an toàn hàng ngày tối đa sẽ làm tăng nguy cơ “sấy quá chậm” và các lỗi sấy khô liên quan. Thông thường, người ta sẽ điều chỉnh tốc độ sấy của họ để duy trì tốc độ sấy khô thích hợp nằm ở đâu đó giữa hai thái cực này, tùy thuộc vào việc doanh nghiệp gỗ thiên sự ưu tiên về thời gian (sản lượng) hay chất lượng.
Dưới đây là bảng liệt kê tốc độ sấy nhanh nhất trong mức an toàn cho một số loài gỗ.
Bảng 1. Tốc độ thoát ẩm tối đa trong mức an toàn cho một số loài
Chất lượng của gỗ đưa vào và các đặc điểm của hầm sấy (ví dụ áp suất hơi, tốc độ gió v.v…) cũng là những yếu tố quan trọng trong việc xác định tốc độ sấy phù hợp. Vật liệu chất lượng kém (nghĩa là các khuyết tật hoặc hư hỏng khi sấy đã có từ trước) và thiết bị sấy kém chất lượng sẽ là không có lợi cho việc duy trì tốc độ sấy nhanh. Ngoài ra, tốc độ sấy thích hợp có thể thay đổi theo tải trọng, tùy thuộc vào chất lượng và tính đồng nhất của gỗ xẻ. Người vận hành có thể sử dụng tốc độ sấy thấp hơn một chút đối với tải trọng có chất lượng thấp hơn, nhiều loại gỗ khác nhau hơn và nhiều loại gỗ “không rõ nguồn gốc” hơn so với khi họ sử dụng tải trọng có chất lượng cao hơn, vật liệu đồng nhất cao.
Bản quyền nội dung thuộc về Công ty Cổ phần Waygo. Mọi hình thức sao chép, công bố lại phải dẫn nguồn Công ty Cổ phần Waygo.