Call: +84 935 293 693
Mail: business@waygo.net

Waygo

Trang chủ /Kiến thức

QUÁ TRÌNH THOÁT ẨM CỦA GỖ SẤY VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI SẤY GỖ

Gỗ đưa vào sấy là gỗ có độ ẩm cao, vốn là gỗ còn tươi, hay đã được hong phơi tự nhiên ngoài môi trường một thời gian (thường là một đến hai tháng). Gỗ đã hong phơi thường có độ ẩm chỉ còn khoảng trên dưới 40%. Việc hong phơi tự nhiên có lợi ích quan trọng là làm giảm độ ẩm gỗ đưa vào lò, qua đó giảm được thời gian sấy và tiết kiệm chi phí sấy.

ĐỘ ẨM BÊN TRONG GỖ

Nói ở mức đơn giản nhất, ẩm bên trong gỗ gồm có 2 loại chính:

  • Nước (ẩm) ở các mao quản lớn, tức các mạch gỗ, hay còn gọi là nước tự do; nước này là nước tương đối dễ thoát ra bên ngoài
  • Nước  (ẩm) ở các vi quản, tức nước ở bên trong các vách tế bào gỗ. Nước này khó thoát ra bên ngoài hơn, và bắt đầu thoát ẩm khi nước tự do đã thoát hết

 

Ẩm trong các mạch gỗ lớn và ẩm trong vách tế bào gỗ

Minh họa: Ẩm trong các mạch gỗ lớn và ẩm trong vách tế bào gỗ

Như vậy, có thể thấy nước tự do là loại ẩm ít tác động đến cơ tính và độ bền của gỗ. Độ ẩm này có thể thoát ra hết môi trường bên ngoài mà không ảnh hưởng nhiều đến cơ tính của gỗ (cong vênh, nứt v.v...). Đây cũng là nguyên lý của việc hong phơi gỗ tự nhiên ngoài môi trường đến một độ ẩm nhất định trước khi đưa vào sấy, vừa tiết kiệm thời gian sấy, vừa tiết kiệm chi phí.

ĐIỂM BÃO HÒA THỚ GỖ

Điểm bão hòa thớ gỗ là mức độ ẩm của gỗ (Moisture Content – MC) mà tại đó, nước tự do (tức nước trong các thớ gỗ lớn) đã thoát hết ra môi trường trong quá trình sấy gỗ. Lúc này, độ ẩm trong gỗ chỉ còn là độ ẩm trong các vi quản (vách tế bào) vốn khó thoát ra môi trường bên ngoài hơn.

Trong sấy gỗ, điểm bão hòa thớ gỗ là đặc điểm rất đáng lưu ý trong việc điều khiển sấy hiệu quả.

Đối với các loại gỗ thông dụng, điểm bão hòa thớ gỗ thường nằm ở mức 20% đến 30%. Dưới mức điểm bão hòa là giai đoạn gỗ dễ bị cong, vênh, nứt, biến dạng nếu việc thoát ẩm trong quá trình sấy không được kiểm soát đúng đắn, chính xác.

XỬ LÝ GIỮA CHỪNG

Việc điều khiển quá trình sấy thủ công thường kém chính xác do quá trình đo kiểm và hiệu chỉnh môi trường hầm sấy diễn ra tương đối rời rạc, không đủ thường xuyên. Trong quá trình này, người thợ vận hành hầm sấy định kỳ sẽ lấy các thanh gỗ mẫu trong hầm ra và đo độ ẩm bằng máy đo cầm tay. Dựa vào độ ẩm gỗ (MC) đo được, người ta sẽ tiến hành hiệu chỉnh thủ công thông số môi trường hầm sấy (nhiệt độ bầu khô, bầu ướt, hoặc Δt – xem thêm bài Ý nghĩa của nhiệt độ bầu khô, bầu ướt, thông số ΔT trong sấy gỗ của Waygo). Việc điều chỉnh thủ công này có độ phân giải thấp (tức không thể tiến hành thường xuyên như máy) và có độ chính xác không cao.

Vì bản chất không thường xuyên (đo kiểm và điều chỉnh) và kém chính xác của phương pháp sấy thủ công, người ta rất thường gặp tình trạng gỗ ngừng thoát ẩm (giá trị độ ẩm MC không thay đổi giữa hai lần đo). Vấn đề này xảy ra là do môi trường hầm sấy không được điều chỉnh chính xác theo chương trình (còn gọi là quy trình hay chế độ) sấy đặt ra, dẫn đến việc bề mặt của các thanh gỗ sấy trở nên quá khô, nhựa cây đã bít chặt các mạch gỗ khiến cho độ ẩm gỗ không thể thoát ra ngoài bề mặt gỗ và ra môi trường.

Lúc này, tùy theo kinh nghiệm của từng người thợ vận hành lò, người ta thường tiến hành “xử lý giữa chừng” bằng cách đưa lại nhiệt độ môi trường hầm sấy lên cao, gia tăng độ ẩm hầm nhằm làm cho mạch gỗ ẩm ướt, trương nở theo cách gần giống như pha “hấp gỗ”, giúp thông thoáng các mạch gỗ. Sau khi tiến hành “xử lý giữa chừng” một thời gian (ví dụ 12 tiếng, 24 tiếng), người ta lại tiếp tục quy trình sấy.

Việc xử lý giữa chừng này thường chỉ xảy ra trong các trường hợp điều khiển thủ công, môi trường hầm sấy sai lệch nhiều so với chế độ sấy đặt ra. Trong các hệ thống điều khiển sấy tự động, tình trạng này không xảy ra, trừ khi chế độ sấy đặt ra là chế độ sấy không hợp lý cho loại gỗ được sấy.

DƯỠNG ẨM GIỮA CHỪNG

Để hạn chế tối thiểu việc gỗ bị chai bề mặt trong quá trình thoát ẩm khi sấy, nhất là đối với các loại gỗ nhiệt đới, tỉ trọng cao, mạch gỗ nhỏ, nhiều nhựa, nhiều chủ hầm sấy còn tiến hành động tác “dưỡng ẩm giữa chừng” để đảm bảo các mạch gỗ luôn thông thoáng, thoát ẩm ra bề mặt tốt.

Việc “dưỡng ẩm giữa chừng” về bản chất là quá trình hấp gỗ lần hai, thường được thực hiện khi gỗ đạt đến điểm cân bằng thớ gỗ (xem phần trên). Người ta thực hiện bằng cách đưa nhiệt độ và độ ẩm hầm sấy lên cao, giúp thớ gỗ trương nở đều, độ ẩm gỗ đồng nhất trong toàn bộ mẻ sấy. Tùy theo loại gỗ, tính chất và kinh nghiệm, quá trình “dưỡng ẩm giữa chừng” này thường có thể không cần tiến hành, hoặc tiến hành từ 8 đến 24 tiếng.

Hệ thống điều khiển sấy gỗ tự động Cloud Kiln của Công ty Cổ phần Waygo là hệ thống tự động ưu việt nhất hiện nay. Hệ thống này cho phép giám sát tốc độ thoát ẩm của gỗ, cài đặt các chế độ dưỡng ẩm giữa chừng tự động, đồng thời điều khiển môi trường hầm sấy với độ chính xác cao, loại bỏ hoàn toàn thao tác xử lý giữa chừng thường thấy tại các hầm sấy thủ công hoặc bán tự động.

Tham khảo thêm bài “Xác định chế độ sấy ngắn nhất và tốt nhất cho các loại gỗ phổ biến tại Việt Nam” của Waygo

Bản quyền nội dung thuộc về Công ty Cổ phần Waygo. Mọi hình thức sao chép, công bố lại phải dẫn nguồn Công ty Cổ phần Waygo.